Ngã ba Vườn Lài nằm giữa ngã bảy Sài Gòn (đường Lý Thái Tổ) và ngã sáu Chợ Lớn (đường Nguyễn Tri Phương), bao gồm các đường chính là Minh Phụng (nay là đường Ngô Gia Tự), Vĩnh Viễn, Sư Vạn Hạnh thuộc quận 10 thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 10 đã xây dựng Bia Vườn Lài để ghi nhớ công ơn những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Trước đây, Ngã ba Vườn Lài là một vùng hoang vắng trên cánh đồng tập trận thời nhà Nguyễn. Đến năm 1950, khu vực này trở thành xóm sầm uất, dân cư đông đúc, nhà cửa chen chúc với những đường ngang ngõ tắt. Vườn Lài là một trong những khu lao động của thành phố làm cơ sở cho cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ, che giấu thanh niên trốn lính dưới chế độ cũ.
Năm 1953, tại vùng U Minh – Đồng Tháp, Chi bộ được thành lập lấy tên là Chi bộ Vườn Lài gồm 3 đồng chí: Trương Văn Do (Chín Thi) làm Bí thư, Hai Thoa, Hai Chính được Đảng bố trí về hoạt động tại Vườn Lài. Đến năm 1955, Chi bộ Vườn Lài phát động phong trào đấu tranh rộng khắp vừa đòi địch bồi thường sinh mạng và tài sản cho dân, vừa cứu giúp đồng bào bị nạn.
Trong suốt giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1964, khu vực Vườn Lài Ngã Bảy diễn ra các phong trào đấu tranh dưới nhiều hình thức như: mít tinh, gặp gỡ nghị sĩ của ngụy quyền Diệm đưa kiến nghị, yêu sách đòi tăng lương cho công chức, đòi tự do nghiệp đoàn. Nổi bật nhất là cuộc biểu tình ngày 16/3/1963 của 30 vạn thanh niên, học sinh và đồng bào theo đạo Phật đòi hòa bình.
Ngày 28/9/1967 và 30/9/1967 quần chúng nhân dân ở Ngã ba Vườn Lài và thành phố ủng hộ cuộc đấu tranh của hàng ngàn nhà sư và sinh viên chống khủng bố, đòi Mỹ rút quân. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân đêm 31/01/1968 rạng sáng ngày 01/02/1968, nhiều đoàn quân giải phóng đã tiến vào khu Ngã ba Vườn Lài.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy rất quyết liệt của quân dân quận 10, lực lượng tại chỗ Ngã ba Vườn Lài đã huy động vũ khí, đạn dược, hậu cần ở hàng chục cơ sở cách mạng, xây dựng hầm bí mật trong khu dân cư lao động thông qua công tác binh vận trong lòng địch.
Kết quả cuộc Tổng tiến công, quân dân ta đã tiêu diệt hơn 100 tên Mỹ và Nam Triều Tiên, đốt cháy 2 chiếc xe tăng địch. Nhân dân Vườn Lài nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang làm chủ khu vực trong 7 ngày đêm, đánh lui nhiều cuộc phản kích của địch.
Với những chiến công đó, địa danh Vườn Lài trở thành điểm son chói lọi trong lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân quận 10. Nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1978, Đảng bộ và nhân dân quận 10 đã dựng Bia truyền thống Vườn Lài nhằm ghi dấu lại trận tiến công Mậu Thân năm 1968 và quá trình đấu tranh cách mạng của quân dân quận 10 nói chung, khu vực Vườn Lài nói riêng.
Bia Vườn Lài được xây dựng gồm cụm phù điêu và bia truyền thống do điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên và họa sĩ Huỳnh Phương Đông thực hiện trong khuôn viên hơn 100m2. Trên mặt bia ghi lại chiến công hiển hách của quân dân quận 10 trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2005) Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 10 đã nâng cấp lại toàn bộ bức phù điêu và cải tạo cảnh khuôn viên bia Vườn Lài tạo vẻ mỹ quan của khu di tích cách mạng.
Ngày nay, Bia Vườn Lài là nơi tưởng niệm, dâng hương của cán bộ, nhân dân 15 phường trong quận vào những ngày Lễ, Tết. Hàng năm, vào những ngày hè, hàng ngàn học sinh, thanh thiếu niên đến dâng hương, tham quan Bia truyền thống và các di tích lịch sử – văn hóa quận để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc./.