Cẩm nang du lịch

Hình ảnh

Bình luận

Bia tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, cái tên Trần Phú nổi bật trong lớp thanh niên sinh ra và lớn lên cùng thời.

Đồng chí Trần Phú, sinh ngày 01 tháng 5 năm 1904 tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Nguyên quán ông ở làng Tùng Sinh, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, hơn 4 tuổi đồng chí Trần Phú đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ. Tuổi thơ của ông đã trải qua những năm tháng đau buồn và cơ cực. 

Thân sinh đồng chí Trần Phú - Ông Trần Văn Phổ là một nhà nho khí tiết. Làm quan vào thời buổi mất nước, ông cảm nhận sâu sắc nỗi tủi nhục của thân phận nô lệ trong chốn quan trường. Thương dân mà không có cách nào cứu dân, ông chọn con đường tuẫn tiết để chống lại lệnh đàn áp của bọn thực dân. 

Truyền thống quê hương qua những câu chuyện kể của người cha về các anh hùng, nghĩa sĩ đã làm rạng danh đất nước như Mai Thúc Loan, Phan Đình Phùng, Cao Thắng…đặc biệt hình ảnh người cha tuẫn tiết ở nơi công đường đã làm sôi sục ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặt ở người thanh niên Trần Phú.

Năm 1922, đồng chí Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung. Tuy nhiên, ông không ra làm quan mà theo dạy học ở Trường tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh và bắt đầu bước vào con đường làm cách mạng. 

Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, đồng chí Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các đồng nghiệp, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Tại Vinh, ông tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi là Hội Hưng Nam), lãnh đạo phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho người lao động. 

Bước ngoặt trong cuộc đời làm cách mạng là việc đồng chí được cử sang Quảng Châu – Trung Quốc liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 4 năm 1930, Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử đồng chí về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng.

“Luận cương chính trị” do đồng chí Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng l0 năm 1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Với công lao và đóng góp to lớn đó đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10 năm 1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Sau khi bị địch bắt vào ngày 18 tháng 4 năm 1931, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc đến tra tấn dã man với hy vọng làm khuất phục ý chí chiến đấu nơi đồng chí Trần Phú. Tuy sống trong nhà tù đế quốc với điều kiện hết sức nghiệt ngã, nhưng đồng chí luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam. 

Sau gần 68 năm kể từ ngày đồng chí Trần Phú hy sinh (ngày 06/9/1931) tại nhà tù đế quốc, đến ngày 04 tháng 01 năm 1999, Đảng, Nhà nước và gia đình đã tìm thấy phần mộ của ông tại Nghĩa địa Đô Thành, Sài Gòn cũ (nay là Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10). Đảng và Nhà nước đã tổ chức di dời hài cốt đồng chí về an nghỉ tại quê hương huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Để tưởng nhớ công lao của đồng chí Trần Phú, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã tiến hành xây dựng Bia tưởng niệm đồng chí Trần Phú. Công trình này được xây dựng gần phần mộ của ông tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Công trình gồm bốn hạng mục chính: đường dẫn, sân làm lễ, đường công viên và đài bia tưởng niệm. Trên đài bia, bằng chất liệu đá hoa cương nguyên khối, chân dung đồng chí Trần Phú được tạc nổi trên khối phù điêu mang hình cờ Đảng, cùng câu nói nổi tiếng:"Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". 

Đồng chí Trần Phú là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình đồng chí thủy chung. Công trình Bia tưởng niệm là nơi để nhân dân thăm viếng, dâng hương vào các ngày lễ lớn, tưởng nhớ công ơn của ông và các chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đề xuất